CÁC CÁCH DI CHUYỂN ĐẾN SANTORINI
Bạn đang tìm kiếm các cách di chuyển đến Santorini - một điểm đến tuyệt đẹp và nổi tiếng của Hy Lạp? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số lựa chọn vận chuyển đa dạng, từ các chuyến bay trực tiếp đến các tàu, phà và tàu cao tốc. Bạn sẽ khám phá cách đến Santorini một cách thuận tiện và dễ dàng, tận hưởng hành trình đẹp qua biển và đến được thiên đường nghỉ dưỡng này.
Santorini - Thiên đường biển xanh với những ngôi làng trắng tinh khôi, kiến trúc độc đáo và khung cảnh núi lửa hùng vĩ, tạo nên một điểm đến tuyệt vời cho những ai muốn trải nghiệm.
(Nguồn: jimmy teoh)
Santorini giờ là cái tên quá hot trong bucket list của những người yêu du lịch, ai cũng bị hấp dẫn bởi sắc xanh trắng đặc trưng hòa với màu biển biêng biếc.
Để đáp ứng nhu cầu của mọi người, bài này mình sẽ giới thiệu các cách di chuyển đến hòn đảo nổi tiếng này. Mình cố gắng nêu thông tin thật chi tiết cho các bạn có thể lên kế hoạch tự túc, tuy nhiên nếu trong bài có điểm nào các bạn cần được tư vấn thêm hoặc muốn đặt trước dịch vụ thì các bạn liên hệ với Mai Vi Travel - 0917.259.511 nhé.
Bài tham khảo
Phương tiện di chuyển ở Athens
Phương tiện di chuyển trên đảo Santorini
1. Hàng không
Một trong các cách nhanh nhất và thuận tiện nhất để đến đảo là đường hàng không. Nếu sử dụng cách này, giá vé có thể cao hơn một chút nhưng bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian di chuyển và tránh được cảm giác say sóng với những ai hơi yếu. Sân bay ở Santorini có mã là JTR (Dân địa phương gọi tên đảo là Thira nhé).
- Nếu bạn đi từ Việt Nam hoặc các nước không có chuyến bay thẳng: Rất tiếc là bạn sẽ không thể bay thẳng đến Santorini mà phải bay theo chuyến quốc tế đến Athens. Sau đó, đón thêm một chuyến bay nội địa đến đảo Santorini.
- Nếu bạn đi từ Athens: Mùa cao điểm du lịch của Santorini là từ Tháng 4 – 10 nên trong giai đoạn này có rất nhiều chuyến bay từ Athens đến Santorini cho các bạn chọn. Nếu các bạn đi vào mùa thấp điểm Tháng 11 – 3 thì sẽ có ít chuyến hơn. Thời gian bay: khoảng 45 phút – 1 tiếng. Hãng hàng không: mùa cao điểm thì rất nhiều hãng như Aegean Airlines, Ryanair, Volotea, EasyJet,…nhưng mùa thấp điểm thì sẽ chỉ có hãng Aegean hoặc Ryanair chạy thôi. Giá vé: dao động từ khoảng €90-160 (thay đổi tùy hãng, tùy thời điểm)
- Nếu đi từ các thành phố Châu Âu: một số thành phố ở Châu Âu như Venice, Paris, London,… có chuyến bay thẳng đến Santorini vào mùa cao điểm (không có vào mùa thấp điểm).
- Các trang check vé: Các bạn có thể check vé máy bay ở các phòng vé hoặc tự tìm ở các trang online, mình thì hay check ở skyscanner.com, kayak.com hoặc expedia.com.
2. Đi tàu thủy/phà: Bạn cần đi đến cảng Piraeus
Phương tiện phổ biến nhất để ra đảo Santorini (và cả các đảo khác của Hy Lạp) là tàu/phà. Tuy vậy, không như tưởng tượng của nhiều người là chiếc phà đơn sơ không mấy thú vị thì ở Hy Lạp có rất nhiều loại tàu/phà khác nhau để bạn chọn lựa, đảm bảo đáp ứng được mọi yêu cầu của du khách. Tất nhiên là nếu chọn đi phà, các bạn không đặt online trước sớm đươc như bay mà phải đợi đến gần ngày các hãng mới công bố lịch tàu khởi hành, được cái lại chi phí thấp và tận hưởng cảnh đẹp của biển.
Bến cảng Piraeus - Cổng vào của Hy Lạp với tầm quan trọng kinh tế và du lịch, nơi bạn có thể tìm thấy sự sôi động và sự hòa nhập của những hành trình biển đến các hòn đảo nổi tiếng.
(Nguồn: Karol Chomka)
Đầu tiên là để sử dụng tàu/phà, các bạn cần ra được bến tàu phà. Ở Athens có 3 bến tàu chính là Piraeus, Rafina và Lavrio nhưng để đi đến đảo Santorini thì bạn sẽ đi từ bến Piraeus, là bến cảnh chính của Athens và lớn nhất của Hy Lạp.
- Nếu đi từ trung tâm thành phố (Syntagma):
+ Taxi: khoảng 10km ra đến Piraeus nên bạn có thể đi taxi với chi phí dao động khoảng €20-30 (giá chạy ban ngày và đêm có chênh nhau một chút). Ở Hy lạp bạn có thể đặt taxi online trước hoặc vẫy trực tiếp (nhớ lưu ý là taxi nào chạy đồng hồ mới nên đi nhé).
+ Metro (tàu điện ngầm): Chọn tuyến tàu màu xanh lá, điểm cuối của tuyến này là Piraeus. Bạn có thể đi tuyến đỏ hoặc xanh dương từ chỗ nào thuận tiện với bạn rồi đổi sang tuyến xanh lá tại các điểm đổi Omonia hoặc Monastiraki. Lưu ý, tàu điện ngầm không chạy đêm mà muộn nhất là đến 12h đêm ngày thường và 2h đêm T6,7 nên nếu bạn đi chuyến phà đêm thì căn giờ đi cho hợp lý nhé. Chặng từ Omonia đến cảng mất khoảng 18-20p và €2.
Tham khảo chi tiết chi phí ở bài Phần 1 - Phương tiện đi lại ở Athens
+ Bus: Ở Athens không có xe bus đi thẳng đến cảng Piraeus mà chỉ có xe đến quảng trường Kotzia (trung tâm Piraeus), sau đó đi bộ thêm khoảng 10 phút từ Kotzia đến bến cảng. Có thể chọn Bus 049 hoặc 040, các bus thông thường hoạt động từ 6:30 – 22:00, riêng bus 040 thì hoạt động 24h. Giá bus đi từ trung tâm khoảng €2.
- Nếu đi từ sân bay Athens:
+ Taxi: Ra khỏi các sảnh đến của sân bay có các taxi xếp hàng đợi sẵn, bạn có thể gọi bất kỳ taxi hãng nào để đến Piraeus. Thời gian: mất khoảng 40-60p, nếu vắng có bác tài xế có thể vút nhanh lên 30p. Giá dao động từ €50-65.
+ Metro: Ga metro ở ngay bên ngoài sân bay nên rất thuận tiện. Có điều từ sân bay thì các bạn phải đổi tuyến 1 lần từ màu xanh dương sang xanh lá, điểm đổi ở ga Monastiraki. Thời gian di chuyển từ sân bay khoảng 1h30p và giá vé khoảng €9. Có một điểm rất thuận lợi là các ga metro của Athens đều có thang cuốn chứ không chỉ có cầu thang bộ giống Châu Âu nên dù bạn có nhiều hành lý cũng yên tâm nhé.
+ Bus: Nếu muốn tiết kiệm thì các bạn chọn đi bus cũng ổn. Chuyến X96 đi thẳng từ sân bay ra bến cảng và chỉ mất €5, mà thời gian bus cũng chỉ có 90phut chứ không phải lâu đâu nhé. Bus từ sân bay thì hoạt động 24/24 và thường xuyên có chuyến (ban ngày 20p 1 chuyến, đêm 40p 1 chuyến).
3. Chọn tàu/phà phù hợp
Đầu tiên, mình phải nói rõ với các bạn là có rất nhiều loại tàu/phà để chọn, mỗi loại có điểm mạnh điểm yếu riêng, thế nên các bạn nên đọc thật kỹ để chọn loại phù hợp với nhu cầu của bản thân. Lưu ý là tàu to thì chạy chậm nhưng rất êm, không bị say sóng chút nào, tàu nhỏ thì chạy nhanh nhưng sẽ không êm, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết và dễ gây say sóng.
- Ferry: là loại phà to, trông hình dáng như cruise, có thể đón được hàng nghìn khách, có nhiều tầng, có boong tàu. Có loại to chở được ô tô/xe bus, có loại nhỏ thì không. Điển hình của hình thức tàu này là Blue Star Ferry.
Phà - Phương tiện vận chuyển trên biển đáng tin cậy và tiện lợi, mang đến trải nghiệm du lịch độc đáo và khám phá các địa điểm xa xôi trên đại dương.
(Nguồn: Arefin Shamsul)
+ Ưu điểm: Giá thấp hơn các loại tàu cao tốc và chạy rất êm, không tạo cảm giác say sóng. Nếu thích bạn có thể lên boong ngắm cảnh trời nước mênh mông, cảm giác chuyến đi của bạn như một hải trình biển thật sự
+ Nhược điểm: tàu đi khá chậm và mùa cao điểm rất đông khách
- Catamaran (Cat) hoặc sea jet: là loại tàu cao tốc 2 thân, cách nhận biết dễ nhất là ở dưới đáy tàu, hai thân hai bên chìm dưới mặt nước, còn phần giữa sẽ nổi cao hơn. Điển hình của tàu này là hãng Seajets.
Catamaran - Một loại tàu hai thân nhẹ, tốc độ cao và ổn định trên biển, mang đến cho hành khách trải nghiệm du lịch thú vị và thoải mái trên nước.
(Nguồn: Miquel Gelabert)
+ Ưu điểm: đi khá nhanh, mất khoảng 6-7h là bạn đã có thể tới được Santorini và lại không đến nỗi tròng trành như hydrofoil.
+ Nhược điểm: Loại này thường không có boong tàu mở ở trên nên các bạn đều sẽ phải chọn các chỗ trong tàu. Giá cao hơn ferry và đi không êm bằng.
- Hydrofoil (đôi khi còn được gọi là flying dolphin): Tàu này là là loại chạy nhanh nhât nhưng cũng ồn nhất.
Hydrofoil - Một loại phương tiện thủy đặc biệt, được trang bị cánh dưới nước giúp nâng cao tốc độ và giảm ma sát, mang lại cho hành khách trải nghiệm du lịch nhanh chóng và mượt mà trên mặt biển.
(Nguồn: Julian Tong)
+ Ưu điểm: Rất nhanh
+ Nhược điểm: Do tàu nhỏ nên rất rung và dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là hôm nào trời gió. Khi chạy tàu cũng khá ồn.
Với kinh nghiệm cá nhân của mình, mình thấy đi hành trình xa thì nên đi ferry hoặc catamaran vì nhanh chậm vài tiếng nhưng lại làm ảnh hưởng đến cảm nhận chuyển đi của bạn, chọn tàu kiểu nhanh như catamaran hoặc hydrofoil cho các chặng ngắn giữa các đảo, ví dụ như từ Mykonos – Santorini.
Các cách mua vé tàu:
Về vé tàu, bạn hoàn toàn có thể mua vé online hoặc mua trực tiếp tại các đại lý du lịch ở Hy Lạp hoặc mua ngay ở bến tàu.
+ Nếu mua online: có thể check và đặt vé trên các trang của chính hãng tàu hoặc check ở FerryHopper.com hoặc go-ferry.gr hoặc ferry.gr. Lưu ý là theo luật Hy Lạp thì chỉ có các đại lý được ủy quyền mới được in vé nên dù bạn mua online thì kiểm tra thông tin trên trang của hãng là những bên nào được phép in vé của họ, sau đó bạn phải ghé qua đại lý để in vé mới có hiệu lực nhé. (Bạn có thể gọi 0917.259.511 để đặt mua vé phà trước với chúng tôi và nhận vé khi ở Hy Lạp)
+ Ngoài các hãng tàu lớn mà mình nêu bên dưới, có rất nhiều tàu nhỏ của các công ty địa phương chạy ra các đảo nên nếu các bạn không quan tâm lắm đến việc đi tàu nào thì hoàn toàn có thể mua vé tại bến tàu chứ không cần mua vé trước.
Các lưu ý khi mua vé tàu/phà:
- Kiểm tra kỹ thời gian khởi hành vì lịch khởi hành tàu thường có khá muộn và lại hay thay đổi, có những hàng nhỏ chỉ công bố lịch 3-4 tháng trước khi khởi hành
- Vào mùa cao điểm, nên mua vé trước online để tránh hết chỗ, tuy nhiên phải thường xuyên kiểm tra thông tin hãng về hành trình vì đôi khi sẽ có sự thay đổi ngày giờ tàu chạy. (Tàu không cố định chuẩn chỉ như máy bay đâu)
- Nếu bạn muốn mang theo phương tiện lên tàu, nhớ check kỹ xem tàu nào cho phép chở phương tiện nhé vì một số tàu bé không chở được đâu, tàu chở phương tiện sẽ chỉ chạy 1 số chuyến trong ngày thôi.
- Ở bến Piraeus có rất nhiều cửa lên tàu khác nhau, các bạn lưu ý thông tin trên vé để biết tàu của mình sẽ đón ở cửa nào để ra cho đúng nhé. Các phà đi Santorini thường đỗ ở cửa E7. Nếu không tìm được đường, các bạn cứ thoải mái hỏi các nhân viên ở đây, họ rất nhiệt tình hướng dẫn.
4. Các hãng tàu/phà lớn
Và sau đây là thông tin chi tiết về một số hãng tàu để bạn tham khảo nhé. Về cơ bản các hãng cùng loại cũng chỉ khác nhau một chút chút thôi chứ không nhiều nên mình chỉ viết kỹ về hãng mà nhiều người hỏi nhất, các hãng khác mà các bạn cần thêm thông tin thì cứ hỏi nhé
4.1 Tàu Blue Star Ferry hoặc Hellas Ferry
Đây là loại tàu to, bạn cứ tưởng tượng giống như hình ảnh các du thuyền đi hải trình biển qua nhiều nước. Tàu loại này chạy chậm, khoảng 8h mới tới nơi nhưng lại đảm bảo không có chút cảm giác say lắc nào, dù cho ngoài trời thời tiết có như thế nào. Điểm hay nữa là tàu chạy cả 365 ngày nên kể cả đi vào mùa thấp điểm cũng thoải mái. Ngay trên bến cảng có quầy vé của Blue Star rất to, sơn vàng chóe lóe cực dễ nhận ra. Mình khuyến khích mọi người chọn tàu này vì rất êm ái và khá thoải mái, lại có cơ hội cảm nhận gió biển dịu dàng thổi bùng mái tóc trước mặt biển mênh mông.
Tàu có các loại ghế sau:
- Economy (khoảng €38): là loại ghế nhựa hoặc ghế mây, được sắp xếp trên boong tàu hoặc ở khu café hoặc dọc theo hành lang. Ghế loại này không có đánh số và sắp xếp để cho khách tiện ngồi ở bất kỳ đâu nên ai đến sớm thì có ghế, nếu hôm nào tàu đông quá mà bạn đến muộn hoặc bạn đứng dậy ra chỗ khác thì cũng có nguy cơ lúc sau không có ghế đâu. Lưu ý ghế này hơi mỏi một chút đấy. Nếu mua ghế loại này thì hành lý của bạn sẽ được sắp xếp ở các giá để khắp nơi trên tàu (có xác xuất là không gần chỗ bạn ngồi đâu nhé). Nếu bạn đi vào ban ngày và sẵn sàng dành nhiều thời gian đứng trên boong ngắm biển thì cũng không thấy phiền lắm.
- Air Lounge (khoảng €43): Ghế ngồi sắp xếp theo dãy tương tự như ghế máy bay và được xếp trong các phòng riêng biệt, hành lý của bạn cũng sẽ được sắp xếp trong các giá xếp trong từng phòng này. Giá cao hơn vé cho ghế Economy nhưng rất phù hợp cho các dịp hơi đông 1 chút vì có số ghế hẳn hoi nên bạn không sợ bị hết chỗ. Đôi khi vào những ngày tàu vắng, bạn mua vé Economy mà thấy nhiều seat ở Air Lounge trống thì vẫn có thể chuyển sang đó ngồi, nhưng chỉ là ngày vắng thôi nhé. Mua vé Air Lounge thì bạn sẽ dùng chung khu vực quầy bar với hạng vé Economy. Giá vé Air lounge chỉ chênh với Economy €4-5 thôi nên nếu sức khỏe yếu hoặc sợ say sóng thì nên chọn phương án này.
- Hạng thương gia hoặc hạng VIP được xếp ở các khu vực riêng với các ghế ngồi êm ái, thoải mái. Cả khu vực thương gia và VIP đều có quầy bar riêng, và chỉ dành cho những người mua vé này nên chắc chắn sẽ yên tĩnh và thư thái hơn ở khu Economy/Air Lounge
- Cabins: Nếu bạn muốn được thoải mái hơn nữa, hoặc bạn đi chuyến tàu đêm thì có thể chọn cabin để được thoải mái hơn, tất nhiên và giá sẽ cao hơn một chút. Giường cabin là giường bunk bed có thể chứa được từ 2-4 khách, trong cabin có nhà vệ sinh riêng. Thông thường có 2 loại cabin là: cabin hướng biển (outside) có cửa sổ nhìn ra mặt nước, và cabin bên trong (inside) không có cửa sổ. Nếu say sóng thì bạn nên chọn cabin phía trong.
4.2 Tàu catamaran hoặc hydrofoil
Hiện tại, loại tàu cao tốc này có các hãng Seajets, Hellenic Seaways, Golden Star, Zante Ferries (mỗi hãng sẽ có nhiều tàu với kích thước khác nhau và do đó giá cũng khác nhau 1 chút)
Nhìn chung, các tàu này có các loại ghế sau:
- Economy: Giống ghế ngồi máy bay, ngồi khá sát nhau trong không gian chung. Từng chỗ của loại này hơi chật một chút.
- Club Class: Ghế ngồi tương tự như economy nhưng rộng rãi hơn một chút, và được sắp xếp ở các khu vực hơi riêng biệt hơn, nhưng vẫn trong không gian chung chứ không có ngăn t hành phòng riêng. Giá của ghế này cao hơn economy nhưng mình thấy không có gì đặc biệt hơn so với Economy nên nếu thật sự thích riêng tư thì bạn có thể mua hẳn Platinum Class.
- Platinum Class: được sắp xếp trong các phòng riêng yên tĩnh, ghế ngồi rộng rãi êm ái hơn, có bàn. Có quầy bar riêng cho khu vực này.
Tùy theo nhu cầu mà các bạn chọn lựa, tuy nhiên nếu chỉ để đi thật nhanh đến đảo với chi phí thấp thì Economy là hợp lý nhưng nếu muốn được nghỉ ngơi thư giãn thoải mái thì nên chọn hẳn Platinum.
Hy vọng là các thông tin trên đây giúp các bạn lên kế hoạch chi tiết được cho chuyến đi của nhà mình.
Liên hệ Mai Vi:
Tư vấn miễn phí trên kênh Youtube: các bạn có thắc mắc thì cứ comment, mình sẽ trả lời trong khả năng.
Liên hệ công việc: maivitravel@gmail.com
Liên hệ tư vấn visa, tour (dịch vụ trả phí): 0917259511