CÁC MẸO AN TOÀN KHI THANH TOÁN ONLINE

Trong thời đại số ngày nay, việc thanh toán trực tuyến ngày càng phổ biến và tiện lợi hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho thông tin cá nhân và tài chính của bạn, cần có một số mẹo và quy tắc cơ bản khi thanh toán online. Bài viết của Mai Vi sẽ cung cấp cho bạn một danh sách các mẹo an toàn để giúp bạn bảo vệ mình khỏi các rủi ro và lừa đảo trực tuyến.

Thanh toán online mang đến sự tiện lợi và an toàn khi bạn có thể dễ dàng thanh toán các giao dịch mua sắm, thanh toán dịch vụ và chuyển tiền chỉ với một vài thao tác đơn giản trên Internet.

(Nguồn: CardMapr.nl)

Mấy hôm nay khách du lịch nhà mình đang hoang mang về việc Agoda và Booking.com lộ thông tin thẻ thanh toán của khách hàng. Trong cụ thể sự việc này, đã có rất nhiều bên tham gia phân tích và đưa ra các thông số rồi nên mình không bàn thêm. Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm việc với các khách sạn khá nhiều của mình (cả nước ngoài và Việt nam), mình phải nói thật là việc các nhân viên bình thường của khách sạn tiếp cận được các thông tin thẻ của khách hàng là không hề hiếm, thậm chí không phải chỉ một mà là 2-3 hoặc thậm chí cả 1 team cùng được tiếp cận. 

Thông thường, các bên đều ký thỏa thuận bảo mật với nhau, có cam kết đàng hoàng, nhưng trên thực tế, trừ các nơi có setup hệ thống thanh toán riêng, còn các khách sạn tầm trung hoặc kể cả các khách sạn hơi lớn ở nhà đều không có lớp bảo ghế gớm nào đâu, việc thông tin rò rỉ ra ngoài là xảy ra kha khá thường xuyên (chỉ là đã ai trục lợi đến thông tin đó hay chưa thôi).

Trong thời buổi mua sắm trực tuyến lên ngôi thế này, tất nhiên chúng ta không thể ngừng hết giao dịch online để yên tâm không mất tiền được mà phải chọn cách thanh toán online nào an toàn nhất.

 

1. An toàn máy tính

Đảm bảo là thiết bị bạn sử dụng có các lớp bảo vệ firewall, chống virus, phần mềm xấu và các lớp bảo vệ này phải được bật lên khi bạn bắt đầu mua sắm trực tuyến. Và đừng lưu mật khẩu của các trang ngân hàng trên máy tính/điện thoại vì đã lưu tức là dữ liệu có thể bị sao chép dễ dàng hơn rất nhiều.

 

2. Kiểm tra đường dẫn trang đến

Đây là điều nghe đơn giản nhưng lại không thừa. Các trang điện tử nhiều khi dài và nhiều ký tự làm bạn chỉ nhìn thoáng qua, thấy có vẻ đúng đúng là ok. Đánh đúng vào tâm lý chủ quan này, nhiều trang giả mạo tạo ra địa chỉ đường dẫn nhái gần giống với các trang thật để đánh lừa khách hàng. Chỉ cần điền thông tin vào các trang này là người dùng đã bị đánh cắp thông tin tài khoản. Quan trọng nhất là đừng bao giờ vào trang ngân hàng hoặc trang định đến từ các đường link nhận được từ email/tin nhắn/web mà hãy vào trực tiếp.

Kiểm tra đường dẫn web thanh toán online an toàn giúp đảm bảo rằng bạn đang giao dịch trên một trang web được bảo vệ và sử dụng các phương thức bảo mật hàng đầu để bảo vệ thông tin cá nhân và tài chính của bạn.

(Nguồn: Pixabay)

 

3. Bảo mật thông tin cá nhân

Tuyệt đối giữ bảo mật thông tin tài khoản ngân hàng và thông tin cá nhân như: số thẻ, số tài khoản và tên truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử qua Internet, Mobile,…họ và tên, địa chỉ, ngày sinh, số CMND. Các thông tin kiểu này thường được khai thác bằng cách đánh vào tâm lý khách như: được trúng thưởng, được tặng quà, dò hỏi người thân, hù dọa (Hù dọa thiếu cước viễn thông, nợ ngân hàng, hù bị ai rút tiền,…). Tốt nhất bạn đừng cung cấp thông tin thật hoặc nếu cần thì kiểm tra lại thông tin với ngân hàng bằng cách liên lạc qua số điện thoại hỗ trợ chính thức mà mình biết.

 

4. Sử dụng thẻ Debit hay Credit?

Câu trả lời là nên sử dụng thẻ Credit (thẻ tín dụng) để thực hiện các thanh toán online. 

Thẻ tín dụng là một công cụ thanh toán linh hoạt, cho phép người dùng tiêu dùng và mua sắm trực tuyến một cách thuận tiện, với khả năng trì hoãn thanh toán và các lợi ích đi kèm.

(Nguồn: Avery Evans)

Nếu theo suy nghĩ thông thường, các bạn sẽ cho rằng thẻ credit là thẻ được tiêu âm tiền còn thẻ debit là thẻ có gì tiêu đấy, hết tiền thì không tiêu được nên thẻ Debit phải an toàn hơn chứ? Sự thật thì lại ngược lại nhé. Nếu có sự cố lừa đảo xảy ra, bạn sẽ không được bảo vệ nếu sử dụng thẻ debit, và chỉ có bạn và ngân hàng làm việc với nhau về các vấn đề claim này thôi (và nhiều khả năng là bạn sẽ không đòi lại được từ ngân hàng đâu). Chưa kể, nếu có kẻ ăn cắp thông tin thẻ thì cả account này của bạn đều có nguy cơ bị hack vì nó link chặt chẽ với nhau.

  • Còn nếu sử dụng thẻ Credit thì bạn được bảo vệ bởi Luật cho vay (tạm dịch từ từ gốc Truth in Lending Act), trong đó quy định là bạn không phải chịu trách nhiệm về khoản nợ phát sinh sau khi bạn đã báo mất thẻ, chưa kể thường các thẻ đều có giới hạn chi tiêu chứ không phải muốn chi bao nhiêu cũng được.
  • Đây là là điểm mà mình muốn nhấn mạnh vì mình có đọc được đâu đó 1 blogger du lịch khuyên các bạn là nên dùng thẻ Debit hơn ® Check thông tin kỹ khi áp dụng nhé không lại thiệt thân.

 

5. Sử dụng một thẻ riêng cho các giao dịch online

Với hệ thống ngân hàng ngày nay, chắc ai cũng có vài cái thẻ của các ngân hàng khác nhau thì một trong các cách có thể áp dụng là dành riêng 1 thẻ cho các giao dịch online. Nếu có điều kiện, các bạn có thể chọn mở thẻ của các ngân hàng có các lớp bảo vệ nghiêm ngặt hơn 1 chút như HSBC, Standard Charter hay City Bank và đặt hạn mức thẻ thấp thôi để trường hợp xấu nhất thì thiệt hại không quá lớn. Gần đây mình thấy có một số ngân hàng như ACB hay Maritime cũng có bước bảo mật gửi về điện thoại xác nhận trước khi tiến hành giao dịch online, cũng là bước bảo mật thêm.

 

6. Thay đổi mật khẩu định kỳ

Mục này nghe có vẻ quen nhưng lại rất ít khách thực hiện. Bạn nhớ là định kỳ đổi mật khẩu các tài khoản ngân hàng trực tuyến, thẻ,… để đảm bảo độ an toàn. Chưa kể, đừng đặt 1 mật khẩu chung cho tất cả các trang nhé vì thế thì tiện cho bọn trộm quá (các anh thì không biết chứ các chị em mình gặp nhiều người đặt thế này lắm).

 

7. Với các trang đặt phòng online kiểu Booking.com, Expedia, Agoda…

Đây chính là tâm điểm vụ việc tranh cãi hiện tại. Các bạn cần nhớ là bản thân các trang này họ có hệ thống bảo mật, nhưng họ chỉ là trạm trung chuyển giao dịch giữa khách hàng và khách sạn vì vậy việc họ chuyển thông tin của bạn sang khách sạn là một phần của quy trình, chỉ là khách sạn họ kiểm soát thông tin này như thế nào thôi. Và cũng xác định là đây là các Công ty lớn nên chắc chắn hệ thống văn bản đã rất chặt chẽ, nếu xảy ra tranh chấp, khả năng đòi lại được của bạn thấp hoặc có thì cũng mất nhiều thời gian và công sức. (Nếu bạn google từ khóa “booking.com complaint” bạn sẽ thấy rất nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra ở nước ngoài.)

Vì vậy, khi sử dụng các trang này, các bạn cần chú ý hết sức là:

  • Đọc kỹ điều khoản: cái này khách rất ít quan tâm nhưng nó lại hết sức quan trọng. Trông đám chữ dài loằng ngoằng của mục Term & Condition hầu hết khách đều bỏ qua, nhưng chính trong đám chữ ấy hầu như các Công ty lớn đều đưa vào các điều khoản như khách hàng đồng ý cho chúng tôi cung cấp cho bên thứ ba thông tin tài khoản vân vân và mây mây, và điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ không có khả năng claim được khi có sự việc xảy ra.
  • Cần chủ động trong các giao dịch: Đặt/hủy/điều chỉnh booking các bạn đều nên liên hệ với họ để có xác nhận từ trang và từ khách sạn. Nếu chưa thấy xác nhận, các bạn nên liên hệ trực tiếp với khách sạn để có thông tin thay vì cứ đợi. Các email xác nhận này cũng chính là bằng chứng giao dịch để nếu sau đó có sự việc gì cần claim thì các bạn có đầy đủ chứng từ đối chất.
  • Các trang đặt phòng thường có lựa chọn thanh toán ngay hoặc thanh toán tại khách sạn. Nếu thanh toán ngay thì các giao dịch tiền sẽ được truy suất hoàn toàn trên hệ thống, giảm thiểu rủi ro lộ thông tin thẻ. Nhưng nếu các bạn chọn phương án thanh toán tại khách sạn thì các trang này sẽ phải chuyển thông tin thẻ của bạn cho KS (bằng cách này hay cách khác), và đây chính là nguồn gốc lộ thông tin thẻ. 

Đây là một số website booking phổ biển mà mọi người thường đặt 

Hy vọng các thông tin này giúp ích được cho các bạn phần nào. Nếu muốn an toàn hơn nữa, các bạn có thể chọn đặt dịch vụ lẻ qua các đối tác uy tín có văn phòng tại Việt Nam thay vì tự thanh toán online. Chúc cả nhà mình shopping an toàn nhé! 

 

Liên hệ Mai Vi: 

Tư vấn miễn phí trên kênh Youtube: các bạn có thắc mắc thì cứ comment, mình sẽ trả lời trong khả năng.

Liên hệ công việc: maivitravel@gmail.com

Liên hệ tư vấn visa, tour (dịch vụ trả phí): 0917259511

Bạn đang xem: CÁC MẸO AN TOÀN KHI THANH TOÁN ONLINE
Bài trước Bài sau
Đăng nhập
Đăng ký
Hotline: 0917259511
x