HƯỚNG DẪN XIN VISA HY LẠP TỰ TÚC - CẬP NHẬT MỚI 2023

Với việc xin visa Hy Lạp, bạn sẽ có cơ hội khám phá thành phố cổ Athens với những ngôi đền cổ kính hay những bãi biển tuyệt đẹp. Hãy để Mai Vi giúp bạn chuẩn bị visa ngắn hạn khám phá sự phong phú và quyến rũ của Hy Lạp nhé!

Parthenon tuyệt đẹp ở Hy Lạp - biểu tượng của nền văn minh cổ đại và kiến trúc tuyệt vời.

(Nguồn: Pixabay)

Visa Hy Lạp là visa Schengen, tức là bản chất bạn có thể xin qua Hy Lạp hay bất cứ nước nào trong khối. Tuy nhiên, bài này chúng tôi sẽ nói về việc xin tại Đại sứ quán Hy Lạp cho các bạn nào chỉ đi Hy Lạp và không qua các nước khác hoặc thời gian ở Hy Lạp dài nhất trong lịch trình.

HƯỚNG DẪN CHI TIẾT

1. Lập kế hoạch 


Ngay từ lúc bắt đầu có ý tưởng cho chuyến đi đến hòn đảo Santorini xanh trắng trong mơ, các bạn nên dự kiến trước kế hoạch, dự trù cho mình thời gian khoảng 2-3 tháng trước ngày định lên đường. Khoảng thời gian này chính là để bạn tìm kiếm thông tin, canh vé, xin visa, đặt dịch vụ.

Một đặc điểm thưởng thấy ở khách Việt Nam mình là thường hay để sát nút mới bắt đầu chuẩn bị nhưng như vậy các bạn sẽ có ít lựa chọn, giá không thể tốt và thường khó thay đổi dịch vụ khi muốn điều chỉnh.

Các bạn phải lưu ý là Hy lạp chỉ xét visa ở Hà Nội (mặc dù họ có Lãnh sự quán ở HCM nhưng Lãnh sự quán sẽ không thực hiện việc xét duyệt visa) nên các bạn dự trù cả thời gian chuẩn bị hồ sơ và bay ra Hà Nội nhé

Những năm trước, ít người nghĩ đến xin qua Hy Lạp nên Đại sứ quán khá vắng nhưng gần đây mọi người bắt đầu đi Hy Lạp nhiều nên mùa cao điểm rất đông, xin lịch hẹn có thể phải đợi đến 2 tuần nên các bạn lại càng nên chuẩn bị sớm

 

2. Chuẩn bị hồ sơ

Đây là bước rất quan trọng, quyết định nhiều đến kết quả visa của bạn. Nếu bạn đã đi nhiều rồi thì sẽ thấy bộ hồ sơ trông dài nhưng thực ra không quá khó, nhưng nếu bạn chưa đi nhiều thì có thể sẽ tá hỏa khi thấy danh sách các giấy tờ dài dằng dặc. Để cho đơn giản, mình sẽ chia ra các nhóm giấy tờ cần chuẩn bị để các bạn dễ hiểu.

Lưu ý: Hồ sơ nộp ĐSQ Hy Lạp cần là bản dịch, dấu công chứng tư pháp trên khổ giấy A4 và công chứng mới trong vòng 6 tháng (nếu có bản công chứng cũ thì đừng có tiếc mà dùng lại vì có khi đến ĐSQ lại bị từ chối).

 

2.1. Giấy tờ cơ bản:

  • Hộ chiếu, ký vào trang trắng ở đầu. Nếu bạn có hộ chiếu cũ thì nộp cả hộ chiếu cũ (đặc biệt nếu hộ chiếu cũ đã đi nhiều nơi thì là điểm cộng cho các bạn).
  • CMND
  • Ảnh cỡ 3.5 x 4.5cm
  • Sổ hộ khẩu
  • Đăng ký kết hôn
  • Đơn xin visa (download form điền và ký là xong)

 

2.2. Giấy tờ về công việc:

Đây là phần chứng minh với ĐSQ là các bạn có công việc ổn định ở Việt Nam và không có lý do gì để ở lại nước họ. Phần này mỗi đối tượng sẽ được yêu cầu loại giấy tờ riêng, các bạn chỉ chuẩn bị đúng phần giấy tờ tương ứng cho mình chứ không phải chuẩn bị tất cả đâu nhé.

 

Nếu bạn là CBNV đang đi làm cho cơ quan/tổ chức thì cần các giấy tờ bên dưới.

  • Hợp đồng lao động: Các bạn có thể công chứng bản các bạn có. Nếu không có Hợp đồng, bạn có thể thay bằng Quyết định bổ nhiệm hoặc Quyết định nâng lương (bản công chứng). Nếu tất cả các giấy tờ trên đều không có thì cố gắng tìm một giấy tờ nào đó có dấu của công ty mà có thể dùng để xác nhận bạn làm ở Công ty đó.
  • Quyết định cho nghỉ phép để đi du lịch có dấu Công ty
  • Sổ bảo hiểm xã hội: Bạn có thể in ra từ trang thông tin của bảo hiểm nhà nước và đóng dấu treo của Công ty. Tuy Sổ BHXH không phải là giấy tờ bắt buộc nhưng rất hay được yêu cầu bổ sung.

Nếu bác đã nghỉ hưu thì cần:

  • Quyết định nghỉ hưu trí hoặc
  • Thẻ hưu trí hoặc
  • Sổ lĩnh lương hưu (bản công chứng)

Nếu bạn là học sinh, sinh viên:

  • Thẻ học sinh/sinh viên
  • Đơn xin nghỉ học để đi du lịch đóng dấu trường học. Nếu đang trong thời gian nghỉ hè thì không cần Đơn xin nghỉ học

Nếu bạn làm nghề tự do: nếu bạn có giấy tờ nào thể hiện công việc mình đang làm thì cứ đưa vào hồ sơ 

Nếu là trẻ em dưới 18 tuổi:

  • Trẻ em đi cùng cả bố và mẹ: Giấy khai sinh của bé (công chứng)
  • Trẻ em không đi cùng bố và mẹ: Giấy ủy quyền của bố và mẹ có xác minh của công an địa phương. 
  • Trẻ em chỉ đi cùng bố hoặc mẹ: Giấy xác nhận đồng ý của người không đi cùng, có xác nhận của công an địa phương

 

2.3. Giấy tờ chứng minh về tài chính:

Để thể hiện bạn có tài chính ổn định ở Việt Nam và không có lý do gì để ở lại Hy Lạp.

Đối với khách hàng cá nhân:

  • Sổ tiết kiệm: Không có con số cố định với Hy Lạp nên các bạn cứ để sổ tối thiểu 100tr/người.
  • Giấy Xác nhận số dư Sổ tiết kiệm từ Ngân hàng bản gốc song ngữ và Ảnh chụp 2 mặt sổ. Sổ tiết kiệm nên có hạn gửi trước ít nhất 1 tháng so với ngày nộp hồ sơ visa, kì hạn sổ trên 3 tháng. Khi có ý định xin visa thì các bạn có thể để ngay tiền vào sổ để cho kịp thời hạn 1 tháng, sau khi được visa rồi rút ra cũng ko vấn đề gì
  • Bản sao kê tài khoản ngân hàng 03 tháng gần nhất (bản gốc): Cái này rất quan trọng với ĐSQ Hy Lạp để chứng minh các nguồn tiền và giao dịch đều đặn. Đối với các cán bộ xét hồ sơ của Hy Lạp, đây là một điểm thể hiện rõ rệt về tình hình tài chính của bạn
  • Thẻ tín dụng: chụp mặt trước thẻ. Vì các nước Châu Âu chỉ dùng tiền mặt cho các khoản nhỏ còn hầu như dùng thẻ để tiêu dùng nên bạn nên có thẻ để thể hiện bạn có cái để chi tiêu khi đến nước họ.
  • Để làm mạnh thêm hồ sơ thì các giấy tờ có thể chứng minh tài chính khác bạn đều có thể cho thêm vào như Sổ nhà đất, Giấy tờ ô tô chính chủ, Hợp đồng cho thuê nhà,… - (tất cả đều công chứng) 

Đối với khách hàng là chủ doanh nghiệp:

  • Giấy phép kinh doanh: bản công chứng
  • Tờ khai thuế 03 tháng gần nhất
  • Bản sao kê tài khoản ngân hàng 03 tháng gần nhất (bản gốc)

Các lưu ý:

  • Các thành viên ruột trong gia đình đi cùng nhau có thể bảo lãnh tài chính cho nhau. Ví dụ 1 sổ tiết kiệm 200triệu cho 2 vợ chồng
  • Bố mẹ chỉ bảo lãnh tài chính được cho con nếu đang còn đi học. Nếu con đã không còn đi học mà đã đi làm thì tài sản đứng tên bố mẹ sẽ không có tác dụng chứng minh tài chính cho con
  • Nếu sổ tiết kiệm của bạn có số tiền lớn nhưng nguồn thu từ lương thấp thì bạn lưu ý nộp thêm giấy tờ chứng minh nguồn tiền hợp lý (như là bố mẹ để lại, sở hữu chứng khoán, HĐ cho thuê nhà...). Nếu nguồn tiền lớn mà không rõ ràng cũng có thể bị đánh trượt nhé.

 

2.4. Giấy tờ chứng minh về chuyến đi:

Để thể hiện bạn có kế hoạch đi chơi cụ thể và rõ ràng. Phần này nếu bạn làm qua dịch vụ họ sẽ chuẩn bị, còn nếu tự xin thì bạn sẽ chuẩn bị. Lưu ý các booking phải khớp nhau và khớp với lịch trình.

  • Lịch trình đi chơi dự kiến: Từng ngày cụ thể của chuyến đi định đi đâu, ở đâu. Nếu đi Hy lạp và nhiều nước khác thì lưu ý lịch ở Hy lạp phải lâu hơn ở các nước khác.
  • Vé máy bay: code giữ vé và in lịch trình chuyến bay quốc tế dự kiến. Chỉ là booking dạng giữ vé là được, không phải vé đã xuất. Các chặng bay nội địa có thì bạn thêm vào, hoặc không cần cũng được vì bạn có thể giải thích là đợi được visa mới đặt vì giá không chênh nhiều như vé quốc tế.
  • Đặt phòng khách sạn: bạn đặt phòng khách sạn khớp với vé máy bay và lịch trình chuyến đi mà bạn đã chuẩn bị ở trên. Có thể đặt trên các trang cho hoàn hủy miễn phí như booking.com hoặc agoda để sau khi được visa nếu muốn điều chỉnh có thể hủy. Nhớ là phải khớp lịch trình nhé, và không được hủy trước khi nhận kết quả visa
  • Bảo hiểm: toàn bộ các ngày đi chơi của bạn đều phải được mua bảo hiểm du lịch

 

3. Xin lịch hẹn

Hiện nay, ĐSQ Hy Lạp nhận hồ sơ thông qua Trung tâm tiếp nhận thị thực GVCW (đây là điểm cập nhật mới so với trước đây)

  • Truy cập trang chủ của Trung tâm tiếp nhận thị thực GVC và tạo tài khoản
  • Đặt lịch hẹn nộp hồ sơ. Sau khi xác nhận lịch hẹn bạn cần in tờ xác nhận lịch hẹn để nộp chung với hồ sơ.
  • Hiện nay, chỉ có trung tâm tiếp nhận hồ sơ ở Hà Nội, không có trung tâm ở TPHCM nên các bạn vẫn phải bay ra Hà Nội nộp hồ sơ.

4. Nộp hồ sơ

  • Đến ngày hẹn, các bạn mang toàn bộ hồ sơ đã chuẩn bị và Xác nhận lịch hẹn đến Trung tâm GVC
  • Cán bộ của GVC Hy Lạp sẽ thu hồ sơ khi bạn đến nộp, soát theo check list. Vì đây là trung tâm tiếp nhận nên họ sẽ chỉ tiếp nhận theo danh sách, không tham gia vào việc quyết định kết quả của bạn
  • Nộp lệ phí €80 + €30 phí GVC / người và vào lúc nộp hồ sơ. Lưu ý là nộp qua trung tâm thì sẽ có thêm phí của GVC nhé (tương tự như bạn nộp các nước khác qua VFS, TLS,..)
  • Chụp ảnh, lấy sinh trắc.
  • Điểm khác biệt lớn nhất hiện nay là KHÔNG CẦN PHỎNG VẤN.  Tuy nhiên, ĐSQ vẫn có thể liên hệ để kiểm tra các thông tin hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ. 
  • Địa chỉ: Tòa nhà Ocean Park, #207, Tầng 2, Số 1 Đào Duy Anh, Phường Phương Mai, Quận Đống Đa, Hà Nội.
  • Thời gian: Nộp hồ sơ vào các buổi sáng từ 8:30 – 12:00 từ Thứ Hai – Thứ Sáu. Nhận kết quả vào các buổi chiều từ 13:00 – 16:00.
  • Tracking: Các bạn có thể theo dõi tiến độ hồ sơ của mình bằng mục Tracking trên trang của trung tâm GVCW

ĐSQ sẽ trả hồ sơ trong vòng 15 ngày (thường thì có lúc nhanh trong 4-5 ngày thôi, nhưng kinh nghiệm làm việc với ĐSQ Hy Lạp thì mình thấy thời gian thay đổi chứ không cố định, lúc ĐSQ bận cũng tới 30 ngày nên cứ chuẩn bị tinh thần lâu nhất cho yên tâm nhé)

Với các thông tin này, mình rất hy vọng sẽ giúp các bạn sẽ đỡ lo lắng trong quá trình xin visa Hy Lạp.

Chúc các bạn xin visa thành công!

Liên hệ Mai Vi: 

Tư vấn miễn phí trên kênh Youtube: các bạn có thắc mắc thì cứ comment, mình sẽ trả lời trong khả năng.

Liên hệ công việc: maivitravel@gmail.com

Liên hệ tư vấn visa, tour (dịch vụ trả phí): 0917259511

Bạn đang xem: HƯỚNG DẪN XIN VISA HY LẠP TỰ TÚC - CẬP NHẬT MỚI 2023
Bài sau
Đăng nhập
Đăng ký
Hotline: 0917259511
x